Giỏ hàng
TƯƠNG BẦN TUỆ VIÊN - GIẤC MƠ GÌN GIỮ LÀNG NGHỀ LÀM TƯƠNG TRUYỀN THỐNG & ĐƯA TƯƠNG QUAY VỀ VỚI  CĂN BẾP NGƯỜI VIỆT

Thư viện Seed PlanterNgày: 07-12-2020 bởi: Mr Tuấn Anh

TƯƠNG BẦN TUỆ VIÊN - GIẤC MƠ GÌN GIỮ LÀNG NGHỀ LÀM TƯƠNG TRUYỀN THỐNG & ĐƯA TƯƠNG QUAY VỀ VỚI CĂN BẾP NGƯỜI VIỆT

Khám phá câu chuyện khởi nghiệp của hai cô gái trẻ với Dự án Khôi phục hương vị Tương bần truyền thống - một trong những startup tham gia Pursuing Purpose 2 - Chương trình ươm tạo Doanh nghiệp tạo tác động xã hội được tổ chức bởi Seed Planter.


Khởi nghiệp để khôi phục làng nghề làm tương truyền thống

Dự án Khôi phục hương vị Tương bần truyền thống nằm trong chuỗi dự án nhằm khôi phục các sản phẩm truyền thống của Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên. Ý tưởng về sản xuất tương bần truyền thống nảy sinh khi chị Liên - người sáng lập của Tuệ Viên về thăm quê nội ở Mỹ Hào, Hưng Yên. Tuy không ở quê thường xuyên, nhưng hình ảnh về bữa cơm có rau muống, cà dầm tương luôn là hình ảnh đẹp trong ký ức của Liên. Sau khi từ bỏ công việc xây dựng trong hoàn cảnh sức khỏe không tốt, bản thân nhận thấy giá trị của thực phẩm sạch, của không khí tốt đối với chất lượng cuộc sống của mình. Lúc quay trở về làm nông nghiệp, Liên càng cảm thấy mình yêu từng cái cây, ngọn cỏ, yêu những giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha ta. Liên muốn làm một điều gì đó để góp phần lưu giữ những giá trị đó. Một lần về quê nội, Liên tình cờ bắt gặp những chai tương bày la liệt bán ở trung tâm huyện, dọc quốc lộ 5. Liên ghé vào một quán để mua một chai về làm món cà dầm tương - đặc sản mà nhiều năm trước mình đã được ăn. Nhưng Liên bị thất vọng hoàn toàn khi mở nắp chai tương ra, tất cả mùi vị và màu sắc của tương đều không phải là món ngày xưa mình đã từng ăn. Sau hôm đó, Liên đã về lại thị trấn Bần - nơi đã làm ra chai tương đó, Liên đi vào thăm từng nhà, rồi gặp cả mấy bác lãnh đạo thôn xóm. Liên mới được biết rằng, giờ đây làng nghề truyền thống tương bần không lưu giữ được những mùi vị như xưa nữa. Một là do yếu tố nguyên liệu về đậu tương đều được mua từ chỗ khác, không phải là giống thuần chủng mà người dân trồng như trước. Hai là do không có ai còn nhiều tâm huyết với làng nghề, với sản phẩm nữa nên cái hương vị tương Bần nổi tiếng một thời đã bị mai một dần. Liên ra về mà lòng cứ trăn trở mãi. Lúc bấy giờ, Liên cũng đã trồng rau hữu cơ được gần chục năm, hiểu cái khó cái khổ của người làm ra những thực phẩm sạch. Nhưng với những giá trị mà bản thân theo đuổi, với tình yêu quê hương, tình yêu cho một sản phẩm mang tính truyền thống nghìn năm văn hiến, Liên đã ấp ủ ước mơ về một ngày có thể phục hồi lại hương vị của Tương bần ngày xưa, xây dựng làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng.

Với ước mơ đó, Liên đã đi học, kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực vi sinh, nghiên cứu làm thử, hiện tại Tuệ Viên đã nghiên cứu thử nghiệm thành công sản phẩm tương bần với mùi vị như ngày xưa Liên từng được ăn. Sau khi nghiên cứu thành công, tương bần được bán ra thị trường là một sản phẩm của Tuệ Viên cho tệp khách hàng sẵn có của mình, hoặc người thân quen. Tuệ Viên không đặt ra mục tiêu biến thành sản phẩm thương mại hay phải đạt doanh thu, tăng trưởng bao nhiêu.

Nhưng trong quá trình tìm hiểu về vùng sản xuất tương, Tuệ Viên thấy rằng những người lớn tuổi ngoài 40, 50 làm tương gần như không có thế hệ kề cận để tiếp nối làng nghề. Tuệ Viên nghĩ rằng nếu như mình không tiếp nối và khuyến khích những người trẻ gìn giữ và phát triển nghề làm tương truyền thống thì việc mất đi công thức, mất đi làng nghề chỉ là vấn đề thời gian. Vì thế, sau hai năm ra sản phẩm, khi đã tự tin hoàn thành công nghệ, tìm được nguồn nguyên liệu đảm bảo và tin tưởng, Liên đã quyết định thành lập một dự án khôi phục hương vị Tương bần truyền thống – như một startup ngay chính trong công ty Tuệ Viên. Dự án được giao cho hai cô gái trẻ là Nguyễn Bích Phương và Nguyễn Thanh Phương – giống như 2 cánh tay nối dài của Liên trong việc phát triển dự án.

Sự khác biệt nằm ở chất lượng sản phẩm

Điểm khác biệt lớn nhất của Tuệ Viên so với các sản phẩm hiện nay trên thị trường chính là chất lượng sản phẩm. Theo khảo sát đánh giá của Tuệ Viên, nguồn nguyên liệu đầu vào của thị trấn Bần ở Hưng Yên là đậu tương, gạo nhập bên ngoài thị trường, có thể là giống biến đổi gen, không rõ nguồn gốc xuất xứ.Thứ hai, trong quá trình ủ mốc làm tương người nông dân không kiểm soát được vấn đề nấm. Để giải quyết các vấn đề trên,Tuệ Viên đã tìm được nguồn đậu tương và gạo trồng hữu cơ. với quy trình canh tác nông trại hữu cơ khép kín không chất thải với tiêu chuẩn 6 không (Không phân bón hóa học, Không thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa học, Không thuốc diệt cỏ, Không kích thích sinh trưởng, Không giống biến đổi gen, Không chất bảo quản). Đối với vấn đề kiểm soát nấm mốc, Tuệ Viên đã áp dụng công nghệ vi sinh để kiểm soát vấn đề phát sinh nấm mốc trong quá trình ủ mốc, phơi tương trong nhà màng để đảm bảo yếu tố về nhiệt độ và thời gian ủ tương.

Tệp khách hàng hướng đến

Sau khi thành lập, đối tượng khách hàng của dự án tập trung hướng đến bao gồm tệp khách hàng sẵn có của Tuệ Viên; Khách hàng nữ (30-50 tuổi), có thu nhập ổn định, có hiểu biết, có mong muốn sử dụng sản phẩm sạch lành tự nhiên. Đặc biệt là những người có hồi ức với tương bần ngày xưa. Dự án cũng tập trung khai thác các cửa hàng thực phẩm sạch, bán hàng online có sản phẩm tương đồng với Tuệ Viên và các nhà hàng chay cao cấp.

Tạo tác động xã hội luôn gắn liền với dự án

Trong suốt quá trình thực hiện dự án, hai cô gái chia sẻ luôn đặt mục tiêu tạo tác động xã hội lên hàng đầu từ sản xuất vùng nguyên liệu đến khách hàng. Trên thị trường hiện tại phổ biến loại đậu tương biến đổi gen cho năng suất cao và thuận lợi để làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm thứ 2, nhưng loại nguyên liệu này lại có tác động xấu nhất định đến môi trường. Với kinh nghiệm làm hữu cơ 12 năm, Tuệ Viên không muốn sử dụng nguồn nguyên liệu này mà thay vào đó là nguyên liệu được trồng hữu cơ. Dự án muốn thay đổi những người nông dân không trồng loại nguyên liệu biến đổi gen, mà hướng đến hướng canh tác sinh thái, bền vững bảo vệ môi trường.

Về khâu sản xuất, người nông dân ở làng nghề đang sản xuất theo kiểu hộ gia đình. Trong quá trình sản xuất, họ không quá để ý đến đảm bảo vệ sinh thực phẩm, liệu quá trình làm tương có sinh ra nấm mốc hay không. Dự án đã ứng dụng ứng dụng công nghệ sinh học giúp người nông dân hiểu về nấm mốc và sản xuất ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Càng ngày càng không có nhiều người sử dụng tương bần nữa, khách hàng cũng không rõ về quy trình sản xuất tương và các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự án muốn thay đổi điều đó, thay đổi tư duy và thói quen tiêu dùng của khách hàng sử dụng các sản phẩm sạch lành tự nhiên với quy trình sản xuất đảm bảo.

Hành trình khởi nghiệp

Trên hành trình khởi nghiệp của mình, song Phương đã và đang phải đối mặt với những khó khăn “Khó khăn thì nhiều lắm”, Bích Phương chia sẻ. Hiện tại, dự án đang sử dụng 100% vốn từ công ty và chưa có vốn đầu tư từ bên ngoài. Việc thuyết phục người nông dân chuyển đổi sang canh tác bền vững cũng khá khó khăn khi họ đã hài lòng với việc làm quy trình làm tương, giá cả và khách hàng như bây giờ.

Không chỉ vậy, sản phẩm cũng đang gặp bất lợi nhất định khi so sánh về giá. Do quá trình sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, quy trình công nghệ nên giá thành cao hơn 4-5 lần so với các sản phẩm tương bán trên thị trường.

“Tương bần không phải một loại sản phẩm, gia vị được thường xuyên sử dụng trong các bữa ăn như hạt nêm, nước mắm,…. hàng ngày của người Việt Nam. Tương sẽ đi kèm một số món nhất định” Thanh Phương nói. Để thay đổi được thói quen của người tiêu dùng là một bài toán khó mà dự án đang phải đối mặt, nhưng đó cũng chính là giấc mơ lớn lao của hai cô gái mong muốn thay đổi tư duy và thói quen tiêu dùng của khách hàng, sử dụng tương bần là sản phẩm thiết yếu trong căn bếp giống như câu chuyện bột nêm, mì chính nhiều năm về trước.

Pursuing Purpose 2 - Bước ngoặt trên hành trình khởi nghiệp

Bích Phương chia sẻ: “Tham gia Pursuing Purpose là cơ hội để dự án tiếp xúc với đội ngũ chuyên gia, có nhiều kinh nghiệm trong việc tạo ra các sản phẩm tạo tác động xã hội.” Hai cô gái đã được tiếp xúc với nhiều bạn trẻ có những ước mơ khởi nghiệp mang lại lợi ích cho xã hội. Song Phương đã và đang đổi mới phương pháp làm việc, tư duy để mang đến một làn gió mới, tạo bước đệm phát triển cho dự án ở một giai đoạn mới. Thanh Phương nói: “Mỗi buổi training, mỗi buổi Office Hour, hay làm việc với mentor đều đem đến cho Tuệ Viên những kiến thức mới, những chia sẻ hay. Mình cảm thấy bên cạnh Tuệ Viên, còn có rất nhiều các bạn trẻ với những dự án hay đang hàng ngày nỗ lực tạo ra các tác động xã hội tích cực đến cộng đồng và môi trường. Dự án cảm thấy biết ơn vì trên hành trình này mình không đơn độc vì có các anh, chị và các bạn đồng hành.”

Tương lai của dự án

Hành trình khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng, nhưng điều đó không ngăn được tình yêu dành cho thiên nhiên, quyết tâm gìn giữ sản phẩm truyền thống của cha ông và luôn đặt lợi ích của khách hàng là trọng tâm của chị Liên, Bích Phương, Thanh Phương. Tương lai mong rằng làng nghề sẽ được các thế hệ trẻ như hai cô gái tiếp nối và biết đâu có thể chúng ta sẽ thấy tương bần với hương vị xưa trong mỗi bữa cơm hàng ngày của người Việt.

Tìm hiểu về Tuệ Viên tại: https://www.facebook.com/ToilathaomocVN

Tìm hiểu về Pursuing Purpose: https://seedplanter.org/pages/pursuing-purpose-2