Giỏ hàng
Ná Nả: Mùa gì mua nấy – Dự án tăng thu nhập cho những bà mẹ người Mông

Thư viện Seed PlanterNgày: 08-02-2021 bởi: Mr Tuấn Anh

Ná Nả: Mùa gì mua nấy – Dự án tăng thu nhập cho những bà mẹ người Mông

Ná Nả - phiên âm chữ ‘Nav Nam’ nghĩa là ‘mẹ ơi mẹ’ trong tiếng Mông, Mùa gì mua nấy đơn giản là có gì bán nấy. Ná Nả: Mùa gì mua nấy được thành lập bởi Tủa và Mua - hai bạn trẻ người Mông là một dự án nhằm tăng thu nhập và thúc đẩy năng lực tự chủ kinh tế cho những bà mẹ người Mông. Dự án cũng đồng thời giới thiệu, quảng bá và đảm bảo đầu ra các sản phẩm nông sản nuôi trồng tự nhiên và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được các Ná Nả nuôi trồng, sản xuất tới thị trường nội địa.

Câu chuyện đằng sau hai từ Ná Nả

Mùa Mua – sáng lập dự án chia sẻ: ”Các Ná Nả có rất nhiều tài lẻ, làm được nhiều thứ hay ho từ đồ thủ công đến sản phẩm nông nghiệp, những thứ mà ngoài kia thị trường đang bán hoặc là hàng công nghiệp hoặc là qua rất nhiều trung gian và giá cả khá đắt đỏ nhưng người làm thì chẳng được trả bấy nhiêu.” Cuộc sống của những Ná Nả hay rộng ra của những người phụ nữ dân tộc thiểu số là khi sinh ra, cỡ tuổi đi học thì công việc chính là phụ giúp việc nhà và học làm thổ cẩm. Họ lấy chồng, sinh con, bám mình trên núi làm nương, cuốc đất, trồng lúa, trồng ngô, làm lụng để nuôi những đứa con. Những người mẹ Mông phải gồng gánh một đại gia đình nhiều miệng ăn và đã bắt đầu có dấu hiệu xuống sức thấy rõ. “Mình không có một số liệu cụ thể nào, cũng chưa tìm được một tài liệu nào để khẳng định có bao nhiêu người phụ nữ Mông đang sống một cuộc đời như thế. Nhưng bằng trải nghiệm cá nhân, con số đó phải là quá nửa.” Do vậy, dự án được lập ra với mục đích lớn nhất là để giúp các bà mẹ người Mông có thêm thu nhập, được trả xứng đáng với công sức và trí óc họ bỏ ra cho các sản phẩm của mình và lan tỏa các giá trị văn hoá người Mông được biết đến rộng rãi hơn.

Các sản phẩm mang đậm văn hoá Mông

Dự án được bắt đầu với một buổi workshop dạy vẽ sáp ong của người Mông ở Hà Nội với số vốn mấy trăm nghìn ít ỏi. Sau đó, Tủa và Mua bắt đầu bán các phẩm đặc trưng của người Mông. Hiện tại Ná Nả có hai dòng sản phẩm chính là các sản phẩm nông sản tự nhiên hoặc nuôi trồng thuận tự nhiên nhất có thể như: gà thả đồi, gà đen giống bản địa của người Mông, măng khô, mật ong nuôi trong rừng tự nhiên, các loại rau củ quả theo mùa (táo mèo, qoov, susu, bí ngô,...) và các sản phẩm thủ công do các Ná Nả làm ra từ những nguyên vật liệu tự nhiên như: Rổ, rá, hót rác bằng tre, mây, chổi chít, vải lanh, vải lanh nhuộm chàm,…

Từng sản phẩm của Ná Nả đều rất đặc biệt, mang trong mình những câu chuyện văn hoá riêng, đậm chất người Mông. Đó là những lọ mật ong rừng được bà con nuôi và thu hoạch hoàn toàn thuận tự nhiên trong rừng Mù Cang Chải nên có hương vị đa dạng từ các loại phấn hoa rừng tự nhiên. Vào mùa lạnh, mật đậm đặc, sánh lại như mỡ bò kết sánh lại. Ná Nả chỉ thu hoạch khi ong có đủ lượng mật cần thiết để sinh tồn, hạn chế làm ảnh hưởng đến đàn ong. Mật ong của Ná Nả được ép hoàn toàn thủ công, lọc cạn sáp ong bằng hệ thống lọc với chất liệu vải lanh thủ công, không qua xử lý hóa học. Hay bột thảo quả được coi là dược liệu trị bách bệnh trong dân gian là một thứ tài sản vô giá được bà con trồng ở núi rừng Tây Bắc nhưng chủ yếu đang chảy đi tiểu ngạch sang Trung mà chưa thật thông dụng trong nước.

Một ý tưởng hay là chưa đủ

Thành lập được hơn một năm, từ chỉ 2 hộ gia đình tham gia dự án, đến nay Ná Nả đang làm việc 5 gia đình ở Nậm Pồ (Điện Biên) và Mù Cang Chải và có thể hỗ trợ 1.000.000 - 2.500.000 đồng/hộ/tháng. Mua chia sẻ: “Lúc đầu thuyết phục các Ná Nả tham gia dự án rất khó khăn, đặc biệt là thuyết phục bà con làm theo cách của mình như là không dùng chất hoá học, thuốc trừ sâu khi trồng ngô.” 

Hay là những khó khăn về chuyên môn. “Trước khi tham gia Pursuing Purpose, mình không có kiến thức, kinh nghiệm về kinh doanh hay sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Mình chỉ đơn giản nghĩ rằng mình có ý tưởng hay và thực hiện nó.” Mua nói. Sau khi tham gia chương trình, Ná Nả đã bắt đầu có bản kế hoạch kinh doanh, xác định được sản phẩm chủ lực, kiểm soát tài chính và đang hoàn thiện mẫu mã sản phẩm để tìm nơi phân phối.

Con đường sắp tới

Sắp tới, Ná Nả sẽ thực hiện Dự án xây dựng mô hình nuôi gà xương đen bền vững cho các Ná Nả Mù Cang Chải được nhận tài trợ từ Quỹ sáng kiến “Thanh niên hành động vì khí hậu” được thiết lập trong khuôn khổ dự án “Chung tay vì Không khí sạch”, thực hiện bởi Mạng lưới Thế Hệ Xanh, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Hội Đồng Anh Việt Nam. Dự án sẽ nuôi thả tự nhiên 500 con gà trên 50 ha đất với mục tiêu có thể bán được 4-10 con gà/tuần và mang lại thu nhập 3-4 triệu/tháng cho hộ gia đình. “Chúng mình sẽ nhận được một khoảng tài trợ kinh phí nhỏ và quan trọng hơn cả là niềm tin và sự chia sẻ, tư vấn kỹ thuật để cùng bà con kiếm tìm những giải pháp phát triển kinh tế bền vững cho bà con nông dân ở địa phương.”


Với giá trị nhân văn của dự án, mong rằng Mua và Tủa không chỉ thành công với dự án nuôi gà xương đen mà tiếp tục kiên cường như những người mẹ trên con đường mang Ná Nả: Mùa gì mua nấy, các sản phẩm, văn hoá người Mông được biết đến rộng rãi và dự án sẽ trở thành nguồn thu nhập bền vững cho các Ná Nả.


Tìm hiểu về Ná Nả: Mùa gì mua nấy tại: https://www.facebook.com/nana.hmongvietnam/

Tìm hiểu về Pursuing Purpose: https://seedplanter.org/pages/pursuing-purpose-2