Giỏ hàng
IRIS - KHÁT VỌNG MANG TIẾNG NÓI CHO BỆNH NHÂN SỐNG THỰC VẬT

Thư viện Seed PlanterNgày: 03-02-2021 bởi: Mr Tuấn Anh

IRIS - KHÁT VỌNG MANG TIẾNG NÓI CHO BỆNH NHÂN SỐNG THỰC VẬT

Đằng sau dáng vẻ mảnh khảnh và giọng nói ấm áp của chàng trai sinh viên năm cuối chuyên ngành Tự động hóa, trường Đại học Công Nghiệp (TPHCM) là niềm đam mê nghiên cứu khoa học và ước muốn đóng góp cho cuộc sống của những người còn nhiều thiệt thòi. Đó là Trần Đăng Khoa, sáng lập dự án Iris - dự án phát triển thiết bị hỗ trợ giao tiếp cho người liệt bị mất giọng nói.

Iris và câu chuyện hình thành 

Bắt đầu nghiên cứu khoa học từ những năm cấp 3, Khoa đánh dấu hành trình của mình với những “phát minh tạo tác động xã hội” có thể kể đến như: thiết bị giúp tự động phát hiện và xử lý dấu hiệu cháy nổ, mũ bảo hiểm thông minh giúp ngăn cản người say rượu lái xe, .. Những phát minh ấy đều nhận về các phản hồi tích cực, minh chứng bởi các giải thưởng khoa học cấp tỉnh, quốc gia; sự ủng hộ từ cộng đồng, nhà trường, đài truyền hình Việt Nam. Điều này trở thành động lực mạnh mẽ thôi thúc Khoa chuyên tâm gắn bó cùng khoa học. 

Cơ duyên khiến Khoa ấp ủ và phát triển dự án Iris đó là khi biết được câu chuyện của 2 người anh em là học sinh của mẹ đều phải tự chăm sóc lẫn nhau vì mẹ là người sống thực vật. Khoa bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về những người sống thực vật và nhận ra rằng não của họ có ý thức và mắt cử động được nhưng không có công cụ hay cách thức giúp họ giao tiếp. Nếu như họ không được hỗ trợ để giao tiếp hàng ngày, não của họ sẽ dần yếu hơn và mất đi. Nếu như không có một phát minh để giúp đỡ họ kịp thời, cơ hội sống của họ sẽ rất mong manh. Tia hy vọng này đã định hướng Khoa tập trung nghiên cứu công cụ hữu hiệu để giúp bệnh nhân sống thực vật giao tiếp với mọi người qua cử động mắt. 

Tính ưu việt của sản phẩm 

Lấy cảm hứng từ loài hoa Iris biểu tượng cho khát vọng sống và sự bình an, dự án của Khoa được thành hình. Dự án sử dụng công nghệ thị giác máy tính để phân tích mắt của bệnh nhân bằng camera, giúp bệnh nhân có thể trả lời câu hỏi, đánh vần những từ cơ bản và giao tiếp dưới sự hỗ trợ của người thân.

Điểm đặc biệt của sản phẩm nằm ở chất lượng và tính tiết kiệm chi phí. Công nghệ sử dụng camera phân tích từ xa với tất cả các chức năng xử lý trên phần mềm giúp làm giảm giá thành so với các sản phẩm có công dụng tương tự nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, công nghệ với giao diện hướng tâm giúp tăng tốc độ điều khiển lên gấp 2 lần so với giao diện phẳng thông thường. 

Từ dự án khoa học tới khởi nghiệp tạo tác động xã hội

Dự án Iris được Khoa ấp ủ trong 2 năm với 1 năm để phát triển sản phẩm và 1 năm để phát triển dự án. Khoa chọn con đường khởi nghiệp tạo tác động xã hội với mong muốn sản phẩm của mình sẽ tới tay được nhiều đối tượng cần hỗ trợ trong thực tế hơn là chỉ dừng lại ở một đề tài nghiên cứu khoa học. 

Những tháng ngày nghiên cứu trên giảng đường đại học chưa bao giờ là dễ dàng. Khoa chia sẻ: “Nhớ lại hồi đầu năm 2 khi mà mình chỉ đơn thuần là dân kỹ thuật. Nhớ khi đó mọi thứ đều khó khăn, điện thì nổ tùm lum, luôn phải nghiên cứu từ đầu. Có ngày mình chỉ ngủ được 3-4 tiếng và chỉ ăn được ổ bánh mì. Ơ thế mà vẫn làm được, cho dù cái gì cũng có thể vượt qua”.

Với tinh thần bền bỉ của mình, Khoa đã mang Iris thử sức ở nhiều cuộc thi khác nhau từ khoa học kỹ thuật tới khởi nghiệp như: cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka, giải thưởng Thiết kế, Chế tạo Ứng dụng (Thành đoàn TP HCM), cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel, … Những lần tranh tài không chỉ giúp dự án nâng cấp chất lượng cho ứng dụng công nghệ mà còn mở ra nhiều cơ hội học tập và hợp tác với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. 


Nâng cao kiến thức khởi nghiệp với Pursuing Purpose 

Hành trình khởi nghiệp ban đầu còn bỡ ngỡ sẽ không thể thực hiện nếu thiếu đi sự hỗ trợ của gia đình, thầy cô trong trường đại học và chuyên gia tới từ các chương trình học tập để nâng cao kiến thức. Chương trình Pursuing Purpose của Seed Planter được Khoa ghi nhận là một trong những sự hỗ trợ cần thiết trong giai đoạn hiện tại của Iris. “Mình được học bài bản từ đầu các kiến thức cơ bản nhất về khởi nghiệp. Chương trình giúp mình được thuộc về một cộng đồng những người khởi nghiệp tạo tác động xã hội, để cùng nhau hỗ trợ và kết nối. Sản phẩm của Iris cũng được các chuyên gia góp ý thẳng thắn về các chức năng cần cải thiện để phù hợp với người dùng, phát triển sản phẩm ra thị trường vào thời điểm nào là phù hợp”, Khoa chia sẻ. 

Dự định cho hướng đi gần nhất, Khoa mong muốn tập trung chính vào hơn 5000 người Việt với hội chứng teo cơ và xa hơn là 600,000 người mắc hội chứng này mỗi năm. Dự án Iris, đang trên con đường cải tiến sản phẩm để đưa ra thị trường, là nguồn hy vọng lớn cho không chỉ hàng trăm nghìn người bệnh nhân sống thực vật mà còn cho cả những người thân yêu trong gia đình họ. 

Tìm hiểu về chương trình Pursuing Purpose của Seed Planter tại:  CHƯƠNG TRÌNH ƯƠM TẠO KHỞI NGHIỆP – SEED PLANTER