Giỏ hàng
Chứng nhận B-Corp: Tương lai cho Doanh nghiệp xã hội?

Thư viện Seed PlanterNgày: 21-05-2020 bởi: Quoc-Hung Nguyen

Chứng nhận B-Corp: Tương lai cho Doanh nghiệp xã hội?

Doanh nghiệp vì lợi nhuận từ lâu đã gắn liền với mục đích tối đa hoá lợi nhuận cho cổ đông cũng như công ty. Tuy nhiên, song hành với những phát triển vượt bậc về mặt kinh tế là những vấn đề tồn đọng về môi trường và xã hội yêu cầu các doanh nghiệp cùng chung tay hành động bên cạnh chính phủ và các NPO. Từ đây, một xu hướng được cho là tiêu chuẩn tối cao dành cho các doanh nghiệp lợi nhuận tạo tác động xã hội được ra đời, chính là B-Corp Certification.
1. Là gì?
B-Corp, được quản lý bởi B-Lab - một doanh nghiệp phi lợi nhuận toàn cầu, là chứng nhận cho các doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn cao nhất để cân bằng mục đích vì xã hội và vì lợi nhuận. Cụ thể hơn, các tiêu chuẩn bao gồm tác động lên môi trường và xã hội, tính minh bạch công khai, và trách nhiệm pháp lý. Chứng nhận B-Corp tạo ra một cộng đồng nơi các doanh nghiệp lợi nhuận vì xã hội cùng hướng đến những vấn đề chưa được giải quyết triệt để bởi chính phủ hay các doanh nghiệp phi lợi nhuận, xoay quanh ba chủ yếu cơ bản: Triple Bottom Line – lợi nhuận, con người và hành tinh. Từ sau lứa chứng nhận đầu tiên vào năm 2007, đến nay đã có hơn 2500 doanh nghiệp đến từ 130 lĩnh vực trải dài trên 50 quốc gia khác nhau nhận được chứng nhận B. Tại Việt Nam, giấy chứng nhận B-Corp còn khá mới mẻ, bằng chứng là chỉ có duy nhất doanh nghiệp Les Vergers du Mekong, do doanh nhân người Pháp Jean-Luc VOISIN sáng lập, đạt được chứng nhận này vào năm 2019.
2. Như thế nào?
Các doanh nghiệp muốn nhận được chứng nhận B-Corp cần trải qua một quá trình kiểm định gắt gao gồm 3 bước: đánh giá ảnh hưởng, kiểm định trách nhiệm pháp lý và xác minh độ minh bạch (https://bcorporation.net/certification).
Các doanh nghiệp cần trải qua bài đánh giá B Impact Assessment (BIA) (gần tương tự như bài đánh giá Social Impact Assessment - SIA) để đo lường mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp lên nhân sự, khách hàng và môi trường . Trong bài kiểm tra BIA, các doanh nghiệp sẽ trải qua 3 bước: đánh giá, so sánh và cải thiện (xem kĩ hơn tại BIA). Sau khi hoàn thành khoảng 200 câu hỏi tổng cộng, doanh nghiệp sẽ nhận được một số điểm chính xác trên thang 200. Một doanh nghiệp cần ít nhất 80 điểm để đủ điều kiện ban đầu cho chứng nhận B. Sau đó, doanh nghiệp cần đạt những yêu cầu về trách nhiệm pháp lý được đặt ra bởi B-Lab. Cuối cùng, B-Lab sẽ xác minh độ minh bạch của những thông tin doanh nghiệp cung cấp qua bài kiểm tra đánh giá và số điểm ảnh hưởng mà doanh nghiệp đó đạt được. Độ phức tạp của quá trình sẽ tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như độ lớn công ty hay thời gian hoạt động. Sau khi hoàn thành 3 bước nói trên, doanh nghiệp cần đóng phí duy trì chứng nhận mỗi năm. Phí duy trì sẽ phụ thuộc vào lợi nhuận biên cả năm của doanh nghiệp đó. Cuối cùng, cứ mỗi 3 năm, các doanh nghiệp đã có B-Corp cần cập nhật kết quả và mức độ ảnh hưởng đã đạt được. B-Lab sẽ tiến hành tái kiểm định; số điểm 80/200 vẫn là mức tối thiểu để các doanh nghiệp có thể duy trì chứng nhận của mình. Việc tái đánh giá này đảm bảo các doanh nghiệp tiếp tục duy trì ảnh hưởng và đạt được các tiêu chuẩn cập nhật nhất của xã hội hiện nay.
3. Xu hướng, vì sao?
Từ khi ra đời vào năm 2006 và lứa 82 doanh nghiệp đầu tiên được chứng nhận vào năm 2007, giờ đây B-Corp không đơn thuần chỉ là một tấm bằng mà đã trở thành xu hướng và kim chỉ nam cho các doanh nghiệp có lợi nhuận truyền thống. Dựa trên những bài phân tích và nghiên cứu, có hai lí do chính cho xu hướng trên:
- Thứ nhất, việc đạt chứng nhận B-Corp giúp doanh nghiệp làm nổi bật thương hiệu vì xã hội, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút được nhiều hơn nhân lực, khách hàng và đối tác tiềm năng. Cụ thể hơn, trong một thị trường nơi các doanh nghiệp tối ưu hoá ‘greenwash’ - đánh bóng thương hiệu dựa trên các tác động xã hội bề mặt thay vì thực sự tập trung vào các tác động đó, các giá trị về ảnh hưởng xã hội vô hình chung bị mất đi giá trị. Việc có một chứng nhận như B-Corp giúp thương hiệu của doanh nghiệp được định vị một cách nổi bật hơn hẳn so với các doanh nghiệp khác, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh cho chiến dịch kinh doanh sau này.
- Thứ hai, các doanh nghiệp thực sự cảm thấy có trách nhiệm với xã hội; việc có chứng nhận B giúp họ gia nhập một cộng đồng thực sự tạo tác động xã hội. Ngắn gọn, B-Corp là tấm bằng cho thấy các doanh nghiệp đang thực sự hành động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì những ảnh hưởng tích cực lên xã hội của chúng ta.
Tuy nhiên, sau tất cả, B-Corp có phải tấm bằng vạn năng hoàn hảo không tì vết cho các doanh nghiệp lợi nhuận hay không? Phần II trong series sẽ miêu tả rõ hơn các lợi thế cùng những chỉ trích/phản đối dành cho chứng nhận này.
––––––
Nguồn tham khảo:
• About B Corps - About the Certification - Certification Requirements. <https://bcorporation.net>
• The B Impact Assessment. <https://bimpactassessment.net>
• Suntae Kim, Matthew J.Karlesky, Christopher G. Myers and Todd Schifeling. (2016, June 17). Why Companies Are Becoming B Corporations. <https://hbr.org/2016/06/why-companies-are-becoming-b-corporations>
• Cara Waters. (2018, February 19). Beyond the bottom line: the B-Corp boom. <https://www.smh.com.au/business/small-business/beyond-the-bottom-line-the-b-corp-boom-20180215-p4z0g5.html>
• Daniel Cain. (2019, January 30). WHAT DOES CERTIFIED B CORPORATION MEAN?. <https://www.recycledandrenewed.com/blogs/blog/what-does-certified-b-corporation-mean>
• Daniel Cain. (2019, Feb 06). B CORPORATION CRITICISM - AN ELABORATE GREENWASHING EFFORT?. <https://www.recycledandrenewed.com/blogs/blog/b-corporation-criticism-an-elaborate-greenwashing-effort>
• We are the First B Corp company in Vietnam. <https://vergersmekong.com/b-corp-certificate>
• B Corp Entrepreneurs - 2018 - ISBN: 978-3-319-90166-4