Giỏ hàng
Tìm kiếm và hợp tác giữa những người đồng sáng lập

Thư viện Seed PlanterNgày: 01-12-2020 bởi: Mr Tuấn Anh

Tìm kiếm và hợp tác giữa những người đồng sáng lập

Mối quan hệ giữa những người đồng sáng lập có tác động vô cùng quan trọng đến việc một công ty khởi nghiệp có thể thành công hay thất bại.

Ngô Thùy Ngọc Tú là một gương mặt thân quen trong làng khởi nghiệp về EdTech (giáo dục) tại Việt Nam. Khởi nghiệp ngay từ khi mới tốt nghiệp đại học xong, Tú được truyển cảm hứng bới những người bạn lâu năm của mình và quyết tâm trở về Việt Nam sáng lập ra Công ty Cổ phần Giáo dục YOLA.

Trong buổi chia sẻ với Seed Planter, Tú kể lại hành trình và những quan sát của chị trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa các nhà đồng sáng lập trong quá trình phát triển YOLA, ELSA, và gần đây nhất là Touchstone Partners.

Tại sao lại cần có đồng sáng lập? Và bao nhiêu là đủ?

Có lẽ đó là tùy theo suy nghĩ của mỗi người, có những người muốn làm một mình, nhưng với mình thì mình luôn muốn có một đội ngũ đồng hành.

Lí do là những người đồng sáng lập sẽ có thể hỗ trợ và bù trừ những phần khả năng hoặc tính cách. Ngoài ra, khi mà startup phát triển và có nhiều đầu việc khác nhau, một người sẽ khó có thể cáng đáng hết tất cả.

Thường thì mỗi đội ngũ đồng sáng lập nên có 3-4 người. Nếu chỉ có 2 người thì sẽ khó có thể cân bằng khi bất đồng xảy ra. Còn nếu đông quá thì mọi người dễ bị phân tán, đặc biệt khi có sự thay đổi trong cuộc sống, công việc.

Làm thế nào để gặp gỡ và tìm kiếm những người đồng sáng lập?

Thường có 3 cách: bạn bè lâu năm, đồng nghiệp/đồng đội, và cũng hoàn toàn có thể là người xa lạ mình tìm đến hoặc được giới thiệu mà phù hợp với ý tưởng của mình.

Hai đối tượng đầu thì mình phần nào đã biết được con người, khả năng, và tính cách của họ để làm việc với nhau dễ dàng hơn. Nhóm thứ ba thì sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi mình phải thực sự hiểu mình đang cần gì. Ví dụ khi mình cần một Tech Co-founder, mình có thể tìm đến các hội nghị hội thảo chuyên ngành liên quan để gặp gỡ và kết nối.

Dù là người lạ hay người quen, mình sẽ cần đảm bảo 3 điều ở người đồng sáng lập: kiến thức/kỹ năng cần thiết, sự cam kết gắn bó, chia sẻ tầm nhìn của startup, và sự hòa hợp trong cách làm việc.

Có nên “sống thử” trước khi làm đồng sáng lập?

Mình sẽ phân tích các điểm lợi, hại để bạn cân nhắc thử thế nào cho phù hợp nhé.

Điểm lợi là mình sẽ hiểu được cách làm việc, khả năng cũng như tính cách của đối phương xem có phù hợp với mình không.

Điểm hại là tư duy “thử” – liệu người ta có đang thử nhiều dự án một lúc? Một sự hợp tác không toàn tâm toàn ý sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của dự án, tốn nguồn lực và công sức khi thử quá nhiều.

Trong trường hợp không làm với nhau nữa, về mặt luật pháp nên làm như thế nào?

Đây là một câu hỏi cần phải trả lời ngay từ lúc thành lập công ty. Các nhà sáng lập nên có những cuộc trao đổi thẳng thắn, suy nghĩ đến mọi trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, và ghi rõ trong hợp đồng pháp lý. Một số điều khoản có thể bao gồm:

  • Trong 5 năm đầu tiên: các đồng sáng lập cam kết làm việc với nhau toàn thời gian. Nếu trường hợp cam kết này không thực hiện được, cổ phần trong trường hợp đó sẽ được giải quyết thế nào? Ví dụ như chỉ nhận 1/5 số cổ phần của mình nếu chỉ làm việc ở công ty trong 1 năm.
  • Với các quyết định liên quan tới tài chính, ví dụ như đầu tư, vay tiền: cần được bao nhiêu người đồng ý, biểu quyết theo quy tắc gì, ai là người có quyền phủ quyết.
  • Trong thời gian cùng làm với nhau, các co-founders sẽ không đầu tư, làm trực tiếp hoặc gián tiếp những gì có mâu thuẫn với lợi ích công ty
  • Trong trường hợp đồng sáng lập rời công ty: Thỏa thuận trong vòng 3 hoặc 6 tháng hoặc 1 năm, không được tham gia các công việc có tính chất mâu thuẫn, cạnh tranh với công ty cũ.

Vậy làm thế nào để đội ngũ đồng sáng lập làm việc lâu dài?

Mình sẽ định nghĩa lâu dài ở đây là khoảng 10 năm (và tất nhiên vẫn có các trường hợp đội ngũ đồng sáng lập thành công có thể lâu dài hơn nữa). Mình sẽ luôn suy nghĩ đến 3 điều:

Thứ nhất, các đồng sáng lập cần có các kỹ năng bổ trợ lẫn nhau. Nếu mọi người đều giống nhau thì sẽ không có suy nghĩ nhiều chiều. Thay vào đó, mỗi người nên phát huy thế mạnh của mình và làm cái gì mình thích (ví dụ mình rất thích làm Phát triển sản phẩm chẳng hạn). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mọi người phải thống nhất về cách ra quyết định – đâu là những quyết định chung, đâu là những việc  CEO quyết định cuối cùng, cái gì không thuộc phạm trù chuyên môn của mình thì mình không cần phải ra quyết định.

Thứ hai, các đồng sáng lập cần có hệ giá trị giống nhau. Ví dụ khi khởi nghiệp về giáo dục, bọn mình cần có đam mê về giáo dục và mong muốn đem lại tác động xã hội cho nhiều người. Tuy nhiên, hệ giá trị không phải là bất biến mà có thể được thay đổi, cập nhật dựa trên một nền tảng chung. Do đó các cuộc hội thoại về giá trị cá nhân, giá trị công ty cần phải thường xuyên được lặp lại để mình dựa vào đó để thiết kế bộ máy vận hành, thiết kế sản phẩm, tuyển người, hay đưa ra những quyết định khó khăn. Chính những giá trị này là cốt lõi để hình thành văn hóa công ty sau này.

Thứ ba, các đồng sáng lập cần hiểu được bản thân mỗi người tại sao lại muốn làm chung với nhau.  Động lực của mỗi người tham gia là gì? Trong 10 năm, chắc chắn sẽ có những giai đoạn khó khăn cho cá nhân, gia đình, và công ty, những người đồng sáng lập cần phải rõ ràng về lí do mình tham gia để cân nhắc có tiếp tục đồng hành được với nhau hay không. Hiểu cho bản thân và hiểu cho những người bạn của mình là cách tốt nhất để mình luôn giữ được đội ngũ sáng lập tận tâm nhất với công ty trong mọi hoàn cảnh

---------

Buổi chia sẻ nằm trong chuỗi các hoạt động chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của chương trình Ươm tạo khởi nghiệp tác động xã hội Pursuing Purpose do Seed Planter tổ chức.

#ImpactEntrepreneurship #ImpactStartups #SeedPlanter #PursuingPurpose